Bệnh viêm da dị ứng không chỉ gây cảm giác ngứa ngáy, vô cùng khó chịu mà còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ, đặc biệt khi chúng xuất hiện tại các vị trí dễ thấy như mặt, cổ, tay, chân,… Hiểu rõ về bệnh sẽ giúp ta chủ động hơn trong việc phát hiện sớm và khắc phục kịp thời. Từ đó giúp cải thiện tổn thương da nhanh chóng, tránh biến chứng và hạn chế tối đa để lại sẹo.
Mục lục
Bệnh viêm da dị ứng là gì?
Viêm da dị ứng là bệnh da liễu thường gặp. Tình trạng viêm nhiễm trên da do căn bệnh này gây ra chủ yếu liên quan đến yếu tố di truyền, rối loạn miễn dịch, cấu tạo làn da và những tác nhân dị nguyên từ môi trường.
Các triệu chứng của bệnh viêm da dị ứng thường bùng phát theo từng đợt cấp tính, sau đó thuyên giảm và biến mất. Tuy nhiên, chúng có tính chất dai dẳng và rất dễ tiến triển mạn tính. Đặc biệt, bệnh có nguy cơ tái phát cao khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh hoặc thay đổi thất thường.
Nguyên nhân gây bệnh viêm da dị ứng
Theo chuyên gia, viêm da dị ứng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác nhau. Cụ thể:

- Cơ địa: Những người có cơ địa da nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài môi trường sẽ dễ mắc bệnh viêm da dị ứng hơn bình thường. Ngoài ra, những trường hợp cơ địa dị ứng thực phẩm khi ăn các món dễ gây kích ứng (thường là hải sản, đậu phộng, thịt bò, sữa bò, trứng,…) cũng có thể khiến tình trạng viêm da dị ứng bùng phát.
- Di truyền: Nếu trong gia đình có người thân cận huyết như ông bà, bố mẹ bị mắc bệnh viêm da dị ứng thì khả năng cao ta cũng mắc phải căn bệnh này.
- Dị ứng mỹ phẩm: Các loại mỹ phẩm như dầu gội, sữa tắm, phấn trang điểm, kem chống nắng, nước hoa hồng,…. có chứa thành phần gây kích ứng hoặc kém chất lượng có thể gây viêm da dị ứng. Ngoài ra, lạm dụng các loại kem bôi chứa corticoid cũng có thể khiến xuất hiện tình trạng viêm nhiễm trên da.
- Dị ứng hóa chất: Các loại xà phòng, hóa chất, chất tẩy rửa,… có thể khiến hàng rào bảo vệ da bị tổn thương, gây viêm da dị ứng.
- Dị ứng thời tiết: Khi thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ – độ ẩm trong khí thay đổi đột ngột, hanh khô,… dễ khiến da mất đi độ ẩm tự nhiên, tăng nguy cơ kích ứng và dẫn đến viêm da dị ứng.
- Tiếp xúc với dị nguyên trong môi trường: Da có thể bị tổn thương, kích ứng khi tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên trong môi trường như khói bụi, côn trùng, rác thải, phấn hoa,…
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Một số thuốc kháng sinh hoặc thuốc NSAIDs, thuốc điều trị ung thư có thể gây ra những tác dụng phụ trên da, bao gồm viêm da dị ứng.
Bệnh viêm da dị ứng có triệu chứng ra sao?

Khi mắc bệnh viêm da dị ứng, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng như:
- Nổi mẩn đỏ hoặc xuất hiện các mảng tối màu trên da, phổ biến nhất là các vị trí như tay chân, cổ, ngực, mí mắt và các vùng da nhiều nếp gấp (mặt sau đầu gối, mặt trước khuỷu tay, nách,…)
- Ngứa ngáy, khó chịu. Những cơn ngứa luôn âm ỉ, càng gãi càng ngứa và thường dữ dội hơn vào ban đêm.
- Da nổi sẩn đỏ hoặc xuất hiện các nốt mụn nước nhỏ li ti
- Da dày hơn bình thường, khô ráp và bong tróc
- Một số trường hợp nghiêm trọng người bệnh có thể bị sốt, mệt mỏi, chán ăn,…
Các triệu chứng viêm da dị ứng thường không quá đặc trưng, rất dễ nhầm lẫn với các bệnh da liễu khác. Do đó nếu có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, ta cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa da liễu để được thăm khám, điều trị kịp thời, đúng cách. Đặc biệt, cần đi khám càng sớm càng tốt khi có các dấu hiệu dưới đây:
- Bị đau tại vùng da nhiễm bệnh
- Trên da xuất hiện các vệt đỏ, có mủ hoặc đóng vảy vàng
- Bệnh nhân bị mất ngủ kéo dài
- Thị lực giảm sút
- Sinh hoạt của người bệnh bị ảnh hưởng hoặc không thể tự chăm sóc bản thân.
Bệnh viêm da dị ứng có nguy hiểm không?
Theo chuyên gia, viêm da dị ứng không gây đe dọa trực tiếp tính mạng nhưng chúng luôn khiến người bệnh cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, thậm chí đau đớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt nếu không được chăm sóc, điều trị đúng cách bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:
- Bội nhiễm da: Viêm da dị ứng khiến hàng rào bảo vệ da bị tổn thương, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn dễ dàng tấn công da gây bội nhiễm. Ngoài ra, những tổn thương da do gãi cào hoặc mụn nước bị vỡ nếu không được vệ sinh đúng cách có thể dẫn đến những nhiễm trùng, nhiễm khuẩn trên da.
- Sốc phản vệ: Tình trạng sốc phản vệ rất có thể xảy ra nếu người bệnh bị dị ứng nghiêm trọng với các dị nguyên hoặc tổn thương da bị nhiễm trùng nghiêm trọng. Nếu có các dấu hiệu như tim đập nhanh, da tím tái, huyết áp giảm, tay chân lạnh,… người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín ngay lập tức để được xử lý kịp thời, tránh đáng tiếc có thể xảy ra.
- Da bị lichen hóa: Thói quen gãi cào để giảm ngứa sẽ khiến da bị trầy xước, đồng thời kích thích tăng sinh lớp thượng bì trên da, khiến da dày hơn, trở nên đỏ và sậm màu (lichen hóa).
- Tổn thương hệ thần kinh: Trường hợp viêm da dị ứng do tiếp xúc với hóa chất nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến ngộ độc, tổn thương hệ thần kinh.
- Suy giảm thị lực: Viêm da dị ứng tiến triển nặng có thể làm thị lực bị giảm sút, thậm chí mất thị lực vĩnh viễn.
- Trầm cảm, suy nhược cơ thể: Cảm giác ngứa ngáy dữ dội vào ban đêm khiến người bệnh mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc,… Lâu dần sẽ khiến họ mệt mỏi, rơi vào trạng thái căng thẳng, dễ cáu gắt, nghiêm trọng hơn nữa là trầm cảm và suy nhược cơ thể.
Cải thiện viêm da dị ứng bằng cách nào?
Tùy mức độ tổn thương do viêm da dị ứng gây ra, ta có thể cải thiện bệnh bằng những cách dưới đây:
Chăm sóc tại nhà
Với các trường hợp viêm da dị ứng mức độ nhẹ, người bệnh hoàn toàn có thể cải thiện triệu chứng ngay tại nhà nhờ việc chăm sóc, vệ sinh da đúng cách. Ví dụ như:
- Không gãi cào vùng da nhiễm bệnh, tránh tổn thương trở nên nghiêm trọng và lan rộng hơn.
- Có thể chườm khăn lạnh lên vùng da bị tổn thương để làm dịu da, đồng thời làm giảm tình trạng viêm, ngứa.
- Tránh sử dụng các loại mỹ phẩm khiến da bị kích ứng. Đặc biệt, nếu bị viêm da dị ứng do sử dụng mỹ phẩm ta cần ngừng ngay việc dùng các sản phẩm này.
- Giữ vệ sinh da sạch sẽ, thường xuyên tắm rửa mỗi ngày với sữa tắm dịu nhẹ, phù hợp với làn da.
- Tránh để da tiếp xúc với xà phòng, hóa chất, chất tẩy rửa và các yếu tố dị nguyên dễ khiến da kích ứng như khói bụi, lông động vật, côn trùng, phấn hoa,…
- Lựa chọn trang phục thoải mái, thấm hút mồ hôi tốt.
- Lau khô mồ hôi sau khi vận động thể chất, tránh để da bị ẩm ướt.
- Thường xuyên thoa kem dưỡng ẩm phù hợp với làn da 2 lần/ngày. Có thể tăng lên 3 lần/ngày khi thời tiết hanh khô. Người bệnh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn được loại kem dưỡng ẩm thích hợp nhất.
- Ngủ đủ giấc 7-8 tiếng/ngày, giữ tinh thần thoải mái, lạc quan.
- Khi ra ngoài cần che chắn, bảo vệ da thật kỹ trước khói bụi và tia UV. Đồng thời đừng quên sử dụng kem chống nắng an toàn với làn da.
Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị bệnh viêm da kích ứng được áp dụng phổ biến nhờ đem lại hiệu quả nhanh chóng. Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc điều trị phù hợp. Một số thuốc thường dùng có thể kể đến như:
- Thuốc kháng sinh: Trường hợp viêm da kích ứng có nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh dùng kháng sinh đường uống hoặc kháng sinh tại chỗ.
- Thuốc kháng histamine: Các thuốc này sẽ giúp giảm tình trạng ngứa ngáy. Bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng 1 hoặc 2 loại thuốc kháng histamine đường uống (thông thường là thuốc thế hệ 1 kết hợp cùng thế hệ 2).
- Thuốc corticoid: Có thể dùng qua đường uống hoặc bôi. Các thuốc này sẽ giúp làm giảm triệu chứng viêm ngứa trên da trong từng đợt điều trị ngắn.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Thường dùng trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với các thuốc corticoid hoặc một số trường hợp khác. Chúng có tác dụng vừa điều hòa miễn dịch vừa chống viêm, giảm dị ứng.
Mặc dù đem lại hiệu quả nhanh chóng trong việc trị bệnh viêm da dị ứng nhưng đa phần các thuốc đều tiềm ẩn những tác dụng nhất định và sẽ rất nguy hiểm nếu ta lạm dụng chúng. Chính vì vậy, người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ, đồng thời tuân thủ dùng đúng liều lượng và thời gian theo phác đồ điều trị.
Kết hợp bổ sung dinh dưỡng khoa học hợp lý
Một chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi tổn thương da diễn ra nhanh chóng, hiệu quả hơn, đồng thời hạn chế nguy cơ hình thành thâm sẹo.
Theo đó, người bệnh cần ăn đa dạng thực phẩm, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là các loại vitamin và khoáng chất như vitamin A, C, kẽm, omega-3,… Đồng thời uống đủ 2 lít nước/ngày để cung cấp đủ độ ẩm cần thiết cho da, hạn chế tình trạng da thiếu nước trở nên khô ráp, nứt nẻ.
Song song với đó, cần tránh ăn các thực phẩm dễ khiến da bị kích ứng, kích thích phản ứng viêm như thịt bò, đồ nếp, các món ăn cay nóng, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, rượu bia, nước ngọt có gas, cà phê,…
Lời kết:
Viêm da dị ứng là bệnh lý da liễu mạn tính. Mặc dù bệnh không có khả năng đe dọa trực tiếp đến tính mạng tuy nhiên ta không nên chủ quan, xem nhẹ. Để kiểm soát bệnh hiệu quả, bên cạnh việc can thiệp điều trị sớm, ta cần có ý thức giữ gìn vệ sinh cơ thể, nơi ở và nơi làm việc, đồng thời chăm sóc da đúng cách để hạn chế tối đa nguy cơ tái phát.