Trong các bệnh lý da liễu, bệnh viêm da tiết bã nhờn là một chứng bệnh mãn tính, kéo dài và gây nhiều phiền toái cho cuộc sống người bệnh. Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả sẽ được trình bày trong nội dung dưới đây.
Mục lục
Tìm hiểu về bệnh viêm da tiết bã
Viêm da tiết bã là gì?
Viêm da tiết bã nhờn là một tình trạng da bị tổn thương mãn tính với các biểu hiện da ửng đỏ, bong vảy, nhờn và ẩm dính. Viêm da tiết bã thường ảnh hưởng đến các vùng da nhiều dầu như da đầu, da mặt, hai bên mũi, lông mày, tai, mí mắt và ngực.
Triệu chứng cụ thể viêm da tiết bã
- Các mảng vảy trên da
- Da bên dưới những mảng này có màu hơi đỏ
- Mặc dù có vảy nhưng các mảng thường trông nhờn hoặc ẩm
- Vảy có thể bong ra và có xu hướng từ vàng đến trắng
Viêm da tiết bã có thể xảy ra ở mọi đối tượng
Trẻ sơ sinh: Trẻ sơ sinh từ 3 -12 tháng tuổi là đối tượng thường bị viêm da tiết bã nhờn gây đỏ da, bong vảy và loang lổ. Tình trạng này có thể biến mất sau 6 tuần – 2 tháng.
Đối với người lớn trưởng thành: Ở thanh thiếu niên và người lớn, viêm da tiết bã trên các vùng da trên cơ thể là một tình trạng bệnh đến và đi trong suốt cuộc đời. Bệnh có thể kiểm soát được bằng cách tích cực điều trị.
Nguyên nhân gây bệnh viêm da tiết bã
Hiện nay khoa học chưa tìm ra chính xác nguyên nhân gây ra bệnh viêm da tiết bã nhờn. Bệnh có thể sinh ra bởi nhiều nguyên nhân kết hợp, trong đó có các yếu tố sau có thể tham gia:
- Cơ địa da dầu
- Tăng tiết dầu do tăng nội tiết tố androgen
- Nấm men Malassezia – loại nấm luôn tồn tại trên da nhưng lại phát triển quá mức ở một số người
- Tiền sử bệnh về da như bệnh rosacea, bệnh vẩy nến và mụn trứng cá
- Một số bệnh lý thần kinh hoặc hội chứng suy giảm miễn dịch
- Khí hậu lạnh và khô
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc Tây
Chẩn đoán bệnh viêm da tiết bã nhờn
Khi có các dấu hiệu nổi ban hồng, bong vảy trắng ở các vùng da trên cơ thể, bạn hãy đến các cơ sở y tế da liễu để kiểm tra, kết luận tình trạng có phải viêm da tiết bã nhờn hay không. Các bác sĩ thường chẩn đoán qua các biểu hiện tổn thương da bên ngoài và kê toa điều trị. Hoặc bạn có thể phải thực hiện thêm các xét nghiệm để loại trừ các bệnh ngoài da khác khi điều trị không đáp ứng.
Bệnh viêm da tiết bã thường dễ bị nhầm lẫn với bệnh vẩy nến với các triệu chứng gần tương tự nhau với các mảng ban đỏ hoặc hồng cùng với vảy da bong tróc. Tuy nhiên, bệnh vảy nến thường có tình trạng dày sừng, lớp vảy dày đặc hơn viêm da tiết bã, các vảy có màu bạc trắng rõ ràng hơn.
Ảnh hưởng của viêm da tiết bã
Bệnh viêm da tiết bã không lây nhiễm, cũng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tuy nhiên có thể gây khó chịu cho người bệnh và ảnh hưởng đến ngoại hình. Nhiều người bị viêm da tiết bã cho biết họ cảm thấy mất tự tin, mặc cảm về vẻ ngoài của làn da.
Mặc dù là bệnh mãn tính suốt đời nhưng nếu điều trị tốt, các triệu chứng viêm da tiết bã có thể thuyên giảm hoặc biến mất. Đồng thời, điều trị giúp bệnh không bùng phát trở lại theo thời gian.
Điều trị bệnh viêm da tiết bã
Điều trị viêm da tiết bã theo nguyên tắc điều trị triệu chứng và điều trị duy trì, chủ yếu sử dụng các loại thuốc bôi hoặc uống mỗi khi bùng phát bệnh. Kết hợp chăm sóc, bảo vệ da đúng cách để giảm khả năng tái phát bệnh.
Thuốc điều trị viêm da tiết bã
Các triệu chứng của bệnh viêm da tiết bã có thể kiểm soát được bằng việc dùng thuốc Tây y.
Thuốc làm bong vảy hay thuốc bạt sừng
Thuốc chứa thành phần chính là axit salicylic có tác dụng làm tróc lớp sừng da và chống tiết bã nhờn. Chất này có khả năng cấp ẩm, làm mềm và bong sừng đồng thời kháng khuẩn, chống viêm.
Có nhiều loại chế phẩm của axit salicylic với các nồng độ khác nhau nhưng kem bôi Acid Salicylic 5% được sử dụng phổ biến nhất cho trường hợp viêm da tiết bã.
Thuốc kháng nấm
Một số loại thuốc kháng nấm như Ketoconazole, Fluconazole, Ciclopirox, kẽm Prytithion… có khả năng ức chế sự phát triển của các loại vi nấm, giảm ngứa ngáy da, chống viêm da lan rộng.
Sử dụng thuốc kháng nấm trị viêm da tiết bã theo chỉ định của bác sĩ, chỉ thoa thuốc lên vùng da bị tổn thương, tránh dùng lên da nứt nẻ hoặc niêm mạc mắt, mũi…
Thuốc bôi chống viêm chứa corticoid
Thuốc chứa thành phần corticoid dùng ngoài da được áp dụng điều trị nhiều bệnh lý da như viêm da tiết bã, viêm da dị ứng, vảy nến… Thuốc có tác dụng giảm sưng, giảm viêm da, được sử dụng điều trị trong một thời gian ngắn, tối đa là 1 tháng để phòng ngừa gặp phải các tác dụng phụ.
Các loại thuốc bôi chứa corticoid thường dùng để trị viêm da tiết bã nhờn gồm: hydrocortisone, betamethasone, dexamethasone, clobetasol, fluocinolone, triamcinolone…
Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh trị viêm da tiết bã trong trường hợp nhiễm trùng da và ngăn ngừa bệnh phát triển viêm nhiễm bội nhiễm. Nhóm kháng sinh Cephalosporin và Penicillin được dùng để trị viêm nhiễm ngoài da phổ biến. Bệnh nhân điều trị viêm da bằng thuốc kháng sinh đường uống phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ.
Thuốc ức chế calcineurin
Thuốc có khả năng ức chế tăng sinh cytokine, chất trung gian gây chàm da, đồng thời dùng thuốc có khả năng chống viêm như corticoid. Sử dụng một số thuốc Tacrolimus và Pimecrolimus để ức chế phản ứng miễn dịch, cải thiện triệu chứng bệnh trong trường hợp không đáp ứng điều trị với corticoid.
Chăm sóc da bị viêm da tiết bã tại nhà
Giữ vệ sinh da khi bị viêm da tiết bã
Để cải thiện các triệu chứng viêm da tiết bã nhờn, cần chú trọng tới việc làm sạch và giữ gìn vệ sinh da đầu tiên. Da càng tích tụ nhiều dầu thừa, bụi bẩn, tế bào chết… thì càng tạo điều kiện cho nấm men Malassezia phát triển mạnh. Vì thế, cần làm sạch da hàng ngày để ngăn ngừa nguy cơ viêm da tiết bã nhờn trở nên nghiêm trọng hơn.
– Viêm da tiết bã da đầu: Nên gội đầu thường xuyên mỗi ngày hoặc ít nhất 4-5 lần/tuần để loại bỏ dầu và vảy gàu. Bạn nên ưu tiên dùng các sản phẩm dầu gội dịu nhẹ, dầu gội chứa chất kháng nấm như ketoconazol để hỗ trợ điều trị viêm da tiết bã.
– Viêm da tiết bã nhờn trên mặt: Cần rửa mặt 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và tối với sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chà xát để kỳ bỏ các vảy da khi rửa mặt. Trong ngày, thường xuyên dùng giấy thấm dầu cho các vùng da tiết nhiều dầu như cánh mũi, trán, cằm.
– Viêm da tiết bã trên da toàn thân: Sử dụng các loại sữa tắm dịu nhẹ, sữa tắm thảo dược có khả năng kiểm soát bã nhờn và không quên dưỡng ẩm da sau khi tắm.
Bạn nên giữ cho vùng da tổn thương do viêm da tiết bã luôn được khô thoáng. Đối với các sản phẩm làm sạch da cần tránh dùng loại chứa chất tẩy rửa mạnh và cồn khô. Những chất này có thể loại bỏ dầu hiệu quả tức thì trên da nhưng sẽ gây phản ứng tăng tiết dầu và làm suy yếu hàng rào miễn dịch tự nhiên của da.
Thoa kem dưỡng ẩm

Trái với suy nghĩ của nhiều người khi bị viêm da tiết bã thì không dưỡng ẩm nữa để tránh tình trạng da quá nhiều dầu. Thực tế, việc dưỡng ẩm đều đặn giúp cân bằng lại cơ chế tiết bã nhờn của da. Đồng thời, dưỡng ẩm giúp củng cố hàng rào bảo vệ da, hạn chế tình trạng nấm men, vi khuẩn hoạt động quá mức.
Dùng kem dưỡng ẩm sau bước rửa mặt và sau khi thoa các loại thuốc điều trị viêm da tiết bã tại chỗ để tăng cường hiệu quả điều trị. Chú ý chọn dùng kem dưỡng ẩm có kết cấu thẩm thấu nhanh, không chứa nhiều thành phần dầu dễ gây nhờn rít, bí tắc lỗ chân lông.
Xem thêm: Dùng gì để hết khô da vào mùa đông?
Phơi da dưới nắng thường xuyên
Phương pháp phơi da dưới nắng có tác dụng tăng tổng hợp vitamin D, tăng cường miễn dịch cho làn da. Bên cạnh đó, ánh nắng mặt trời có khả năng ức chế hoạt động của nấm men Malassezia – tác nhân gây viêm da tiết bã.
Tất nhiên, ánh nắng mặt trời chứa tia UVA, UVB có hại cho sức khỏe và làn da của bạn. Vậy nên phơi da dưới nắng buổi sáng sớm, trước 8h và thực hiện trong khoảng 10 phút là đủ.
Lưu ý tránh để da tiếp xúc ánh nắng trực tiếp khi mới vừa sử dụng các loại thuốc bôi điều trị viêm da tiết bã.
Đọc thêm: Hướng dẫn chọn và sử dụng kem chống nắng cho body
Phòng ngừa viêm da tiết bã hiệu quả
Như đã nêu ở trên, hiện y học chưa khám phá ra nguyên nhân chính yếu gây ra bệnh viêm da tiết bã. Bệnh có thể bùng phát khi cộng hưởng nhiều yếu tố. Vì vậy, cách phòng ngừa viêm da tiết bã hiệu quả là ngăn chặn sớm những nguy cơ có thể góp phần sinh ra bệnh.
– Chú ý đến độ pH của các sản phẩm chăm sóc da như sữa rửa mặt, sữa tắm. Những sản phẩm này sử dụng hàng ngày, nếu có độ pH phù hợp với da sẽ giúp cân bằng cơ chế tiết bã nhờn, duy trì độ ẩm tự nhiên. Ngược lại độ pH quá cao có thể khiến da kích ứng, bong tróc, tăng tiết dầu và kích hoạt nấm men hoạt động gây viêm da tiết bã. Độ pH phù hợp với làn da dầu là khoảng 5.5.
– Quan tâm dưỡng ẩm cho da bằng nhiều bước có thể ngăn ngừa hiệu quả bệnh viêm da tiết bã phát sinh. Với da mặt chúng ta có thể sử dụng thêm toner trước bước thoa kem dưỡng. Hoặc dùng bổ sung sữa dưỡng thể trước khi thoa kem dưỡng ẩm toàn thân.
– Chế độ ăn uống phòng ngừa viêm da tiết bã: Chìa khóa cho làn da khỏe mạnh đó là những dưỡng chất cơ thể tổng hợp được từ bên trong và nuôi dưỡng làn da. Các chất quan trọng như vitamin A, vitamin C, các vitamin nhóm B, kẽm , omega – 3 là dưỡng chất thiết yếu để da không bị bong tróc, viêm nhiễm.
Vì vậy, để phòng ngừa bệnh viêm da tiết bã, tăng cường đề kháng cho da, chúng ta nên bổ sung các thực phẩm lành mạnh như: hoa quả, rau xanh, củ quả có màu đậm, ngũ cốc và các loại thủy, hải sản như cá hồi, hàu, trai, hến…
– Uống đủ nước mỗi ngày và tránh xa các loại đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ cũng là một cách để bảo vệ da, giảm nguy cơ bị các vấn đề về da như da nhiều dầu, mụn…
– Giữ cho tinh thần thoải mái bởi stress, căng thẳng thần kinh quá mức là yếu tố gây rối loạn nội tiết tố, tăng sản xuất bã nhờn tăng nguy cơ viêm da tiết bã.
Qua nội dung này, hy vọng tất cả chúng ta đều biết được cách điều trị và phòng ngừa viêm da tiết bã nhờn. Những ai bị viêm da tiết bã sẽ sớm kiểm soát được các triệu chứng bệnh và duy trì làn da khỏe mạnh.