Làn da là bộ phận quan trọng tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài cơ thể. Trong đó có vô vàn tác nhân có thể gây kích ứng với làn da và phản ứng biểu hiện ra ngoài tùy vào từng cơ địa da. Bệnh viêm da tiếp xúc xảy ra khi xuất hiện các phản ứng kích ứng, dị ứng với một số điều kiện môi trường đặc biệt. Cùng tìm hiểu thêm về bệnh lý da liễu này và cách khắc phục ra sao bạn nhé!
Mục lục
Bệnh viêm da tiếp xúc là gì?
Viêm da tiếp xúc là tình trạng phát ban ngứa do tiếp xúc trực tiếp với một chất hoặc phản ứng dị ứng với chất đó. Phát ban không lây nhưng có thể rất khó chịu. Viêm da tiếp xúc có thể xảy ra trên bất kỳ vùng da nào của cơ thể, đặc biệt là tay và mặt.
Một số triệu chứng tiêu biểu của bệnh viêm da tiếp xúc gồm có:
- Phát ban mẩn đỏ
- Da bị ngứa tăng dần
- Khô da, nứt nẻ hoặc có vảy
- Nổi mụn nước, sưng tấy, phù nề có thể có mụn mủ
- Cảm giác bỏng rát da
- Có thể bị loét, trợt da khi các bọng nước vỡ ra
Có mấy dạng viêm da tiếp xúc?
Viêm da tiếp xúc được phân làm 3 loại chính là viêm da tiếp xúc dị ứng và viêm da tiếp xúc kích ứng.
Viêm da tiếp xúc dị ứng
Bệnh lý này liên quan đến hệ thống miễn dịch của bạn. Cơ chế phát bệnh có thể hiểu như sau: Khi da chúng ta chạm vào vật chất gì đó và cơ thể hiểu rằng da đang bị tấn công. Khi đó sinh ra hoạt động giải phóng các chất hóa học bao gồm histamine để chống lại tác nhân tấn công. Đó là nguyên nhân gây ra phản ứng dị ứng da, thường là phát ban và mẩn ngứa.
Các nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc dị ứng thường là:
- Một số loại thực vật như thường xuân độc, cây sồi độc, cây sơn độc
- Thuốc nhuộm hoặc ép tóc, hương liệu trong mỹ phẩm
- Niken – trong các đồ trang sức
- Da thuộc, cao su latex
- Một số loại thuốc bôi ngoài da
Có thể bạn quan tâm: Dùng kem chống nắng bị ngứa da phải làm sao?
Viêm da tiếp xúc kích ứng
Các phản ứng dị ứng tương tự với viêm da tiếp xúc dị ứng, nhưng không liên quan đến hệ thống miễn dịch của bạn. Thay vào đó, bạn chạm vào thứ gì đó sẽ lấy đi lớp dầu trên bề mặt che chắn làn da của bạn. Thứ đó ở trên da bạn càng lâu, phản ứng càng tồi tệ hơn. Nó được gọi là viêm da tiếp xúc kích ứng.
Những thứ có thể gây ra viêm da tiếp xúc kích ứng bao gồm:
- Một số chất tẩy rửa như nước rửa bát, bột giặt
- Axit hoặc bazo
- Sơn, vecni
- Thuốc nhuộm tóc, sơn móng tay
- Nhựa, plastic và epoxit
- Chất dịch cơ thể như nước bọt, nước tiểu
Ngoài ra còn một dạng viêm da tiếp xúc ít phổ biến hơn đó là viêm da tiếp xúc ánh sáng. Dạng này xảy ra ở những người có cơ địa da nhạy cảm với tia UV hoặc khi dùng kem chống nắng chứa chất gây kích ứng, dị ứng khi tiếp xúc với ánh nắng.
Viêm da tiếp xúc dạng này cũng thường có những biểu hiện phát ban, mẩn đỏ tương tự viêm da tiếp xúc dị ứng.
Viêm da tiếp xúc có nguy hiểm không?
Bệnh viêm da tiếp xúc thường tiến triển cấp tính và chấm dứt khi bạn ngưng tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Sau đó khoảng 1-4 tuần điều trị tốt thì bệnh sẽ thuyên giảm hẳn.
Viêm da tiếp xúc ảnh hưởng đến thẩm mỹ làn da, gây tâm lý e ngại khi giao tiếp.
Hơn nữa bệnh còn gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu dẫn đến mất ngủ, lo lắng.
Bị ngứa nhiều khiến chúng ta muốn gãi và dễ làm tổn thương da và nhiễm trùng viêm loét. Đây có thể là nguyên nhân khiến viêm da tiếp xúc trở nên bội nhiễm. Tình trạng viêm da bội nhiễm gây khó khăn cho việc điều trị và có nguy cơ để lại sẹo thâm khi lành vết thương.
Sau đây là cách điều trị và chăm sóc da khi bị bệnh viêm da tiếp xúc
Điều trị viêm da tiếp xúc tại nhà
Xử lý ngay khi có triệu chứng viêm da tiếp xúc
Ngưng tiếp xúc với chất gây dị ứng, kích ứng da. Khi bị viêm da tiếp xúc, hãy xem xét lại những gì mình đã tiếp xúc qua để tìm ra nguồn cơn gây bệnh. Đó thường là những chất đã nêu trong phần 1 và thường là lần đầu bạn tiếp xúc. Nhiều trường hợp bị viêm da tiếp xúc dị ứng, người bệnh tự khỏi sau khi cách ly với nguồn gây dị ứng mà không cần phải điều trị.
Làm sạch da hoặc tắm nước mát ngay lập tức để loại bỏ chất gây dị ứng bám trên da. Nên dùng nước mát để tắm rửa giúp làm dịu cảm giác bỏng rát, khó chịu khi phát ban.
Sử dụng xà phòng hoặc sữa tắm dịu nhẹ để rửa trôi chất gây dị ứng. Lưu ý thao tác tắm rửa nhẹ nhàng, không chà xát và gãi vào vùng da đang bị dị ứng.
Chườm lạnh cho da để nhanh chóng xoa dịu các triệu chứng viêm da tiếp xúc, bạn có thể dùng phương pháp chườm lạnh trong khoảng 5-10 phút. Cách làm là dùng gạc y tế hoặc bông tẩy trang thấm ẩm và làm lạnh, sau đó đắp lên vùng da đang bị kích ứng.
Thoa kem dưỡng ẩm: Thực hiện thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên trong ngày sau khi bị kích ứng giúp da đủ ẩm và nhanh chóng phục hồi hàng rào bảo vệ tự nhiên.
Mặc quần áo rộng rãi, hạn chế sự cọ xát giữa vải quần áo với các vùng da dị ứng đang nổi mụn nước, điều đó dễ làm các bọng nước vỡ ra và nhiễm trùng.
Uống nhiều nước để thanh lọc độc tố và cấp ẩm, làm dịu da.
Điều trị viêm da tiếp xúc bằng biện pháp thiên nhiên
Đối với các trường hợp viêm da tiếp xúc ở mức độ nhẹ, triệu chứng chủ yếu là phát ban, mẩn ngứa, đỏ da và bỏng rát. Chúng ta có thể tham khảo áp dụng một số biện pháp dân gian như sau:
Tắm lá trà xanh
Trà xanh có khả năng chữa viêm da tiếp xúc bởi lá trà chứa chất kháng khuẩn, chống viêm và chống oxy hóa. Người ta thường dùng lá trà xanh để nấu nước tắm cho trẻ sơ sinh để làm mát da, chống viêm da và ngừa rôm sảy.
Đối với người bị viêm da dị ứng, nên nấu nước lá trà xanh với 1 chút muối và tắm hàng ngày. Các triệu chứng dị ứng, kích ứng da sẽ thuyên giảm nhanh chóng và rút ngắn thời gian điều trị.
Tắm lá sài đất
Tương tự như lá trà xanh, cây sài đất cũng được khoa học chứng minh có tác dụng thanh nhiệt, chống viêm, kháng khuẩn, làm giảm nhanh các triệu chứng mẩn đỏ, ngứa ngáy ở trên da.
Tắm nước lá sài đất mỗi ngày giúp hỗ trợ điều trị các bệnh lý viêm da tiếp xúc, viêm da cơ địa.
Bôi gel nha đam
Gel nha đam có khả năng làm mát dịu da, sát khuẩn nhẹ giúp loại bỏ tác nhân gây dị ứng và xoa dịu tổn thương trên da.
Bạn sử dụng nha đam tươi, tách lấy phần gel và làm mát trong tủ lạnh. Sau đó nhẹ nhàng thoa gel nha đam lên vùng da bị tổn thương. Áp dụng 1 – 2 lần/ngày tới khi đạt được kết quả mong muốn.
Điều trị y tế bệnh viêm da tiếp xúc
Trong một số trường hợp, có thể bạn sẽ phải đi khám và điều trị y tế đó là khi các triệu chứng dị ứng không thuyên giảm, lan rộng trên vùng cơ thể. Viêm da tiếp xúc xảy ra ở mặt, bộ phận sinh dục hoặc ảnh hưởng đến các bộ phận như mắt, mũi…
Khi đó, bạn sẽ được bác sĩ thăm khám và chỉ định điều trị, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng có thể phải sử dụng một số loại thuốc kê đơn, thường là:
– Thuốc sát khuẩn: dung dịch hồ nước, thuốc tím hoặc Jarish là các loại thuốc có khả năng sát khuẩn nhẹ, làm dịu da, làm săn da nhanh chóng phục hồi da bị tổn thương.
– Thuốc bôi ngoài da chứa steroid dạng kem hoặc thuốc mỡ, có thể kết hợp thuốc steroid đường uống. Tác dụng của thuốc là giảm viêm da, đỏ ngứa, phù nề hầu như được sử dụng để điều trị triệu chứng là chủ yếu. Các loại thuốc corticoid dạng bôi điều trị viêm da tiếp xúc gồm: Dipolac G, Fucidin H, Gentri-sone, Eumovate, Diprosone…
– Thuốc kháng sinh dạng bôi và uống: Thuốc kháng sinh sử dụng cho các trường hợp có các dấu hiệu nhiễm trùng nặng, lan rộng. Kháng sinh giúp ức chế hoạt động của vi khuẩn, giảm viêm loét, bội nhiễm. Thuốc kháng sinh trị viêm da tiếp xúc thường là nhóm penicillin và cephalosporin…
– Thuốc kháng histamine: Thuốc giúp ngăn chặn tác động của histamine, dùng để điều trị các vấn đề dị ứng da do phản ứng tự miễn. Thuốc giúp giảm mẫn cảm và hạn chế tổn thương da lan rộng. Các loại thuốc kháng histamine phổ biến gồm: Clorpheniramine, Promethazin hydroclorid.
– Vitamin: Một số loại vitamin A, C, E và khoáng chất kẽm được kê toa để thúc đẩy quá trình tái tạo da, hỗ trợ quá trình chữa lành tổn thương da.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh viêm da tiếp xúc?
Dùng sản phẩm làm sạch da từ thảo dược
Với những làn da nhạy cảm cần rất cẩn thận trong việc lựa chọn và sử dụng các sản phẩm hóa mỹ phẩm tẩy rửa như sữa rửa mặt, xà phòng, sữa tắm. Để phòng ngừa nguy cơ viêm da tiếp xúc do các sản phẩm tẩy rửa, bạn nên ưu tiên các loại sữa rửa mặt, sữa tắm có thành phần chiết xuất từ thiên nhiên, thành phần thảo dược.
Các sản phẩm chứa thảo dược không chỉ giúp làm sạch dịu nhẹ, an toàn mà còn củng cố hàng rào lipid bảo vệ da. Từ đó hạn chế sự ảnh hưởng của các tác nhân bên ngoài gây kích ứng da.
Tránh xa các chất gây kích ứng da
Nếu như có tiền sử dị ứng, kích ứng da với một chất nào đó, tốt nhất bạn nên tránh tiếp xúc với nó. Hoặc mặc đồ bảo hộ, che chắn thật kỹ để không tiếp xúc trực tiếp với chất kích ứng da. Ví dụ, đeo bao tay khi động tới hóa chất, mặc quần áo bảo hộ khi đi ra nắng hoặc nơi có cây cối, côn trùng có thể gây dị ứng da.
Luôn test thử các sản phẩm mới trên da
Các trường hợp kích ứng da do dùng mỹ phẩm chăm sóc da, làm đẹp là rất phổ biến. Nguyên nhân bởi các loại hóa mỹ phẩm này có nồng độ hoạt chất quá cao, hoặc chứa các chất kích ứng như cồn khô, nhiều hương liệu. Vì vậy, để đề phòng viêm da tiếp xúc, chúng ta nên thử bất kỳ sản phẩm mới nào trên một vùng da nhỏ trong 1-2 ngày, sau đó mới sử dụng diện rộng.
Dưỡng da đều đặn hàng ngày
Da nhạy cảm là loại da dễ bị kích ứng dẫn đến viêm da tiếp xúc. Để củng cố sức khỏe, khả năng miễn dịch cho làn da chúng ta cần duy trì skincare hàng ngày. Tích cực sử dụng các sản phẩm chăm sóc da cấp ẩm và cung cấp dưỡng chất cần thiết cho da như vitamin A, C, E, B, D, chất béo, khoáng chất và nước…
Hy vọng những kinh nghiệm chia sẻ trên đây có thể giúp ích cho bạn biết phòng ngừa và điều trị bệnh lý viêm da tiếp xúc và có một làn da luôn khỏe mạnh.